top of page
Search
Writer's pictureeugene eugene

Trò chuyện cùng đất mẹ

Trò chuyện cùng đất mẹ, hay tiếp đất, cũng là một cách để trò chuyện với trái tim của mình.

Theo như chị Chi nói thì cái luân xa ở cổ họng mình có vấn đề. Không phải là kẹt nữa mà là tắc và nghẹn luôn. Có lẽ vì đó giờ mình cho đi quá nhiều và luôn phải chiều lòng đón ý người khác. Nay mệt rồi, mình tạm gác hết mọi thứ qua một bên để trở về với chính mình, là mình, và yêu mình.


Mình đang hoang mang và tuyệt hãi về nhiều thứ. Mình không biết phải làm gì với cậu trai kia, cũng không biết phải làm sao xong hết mọi chuyện để tuần sau thi cử. Những lúc mệt quá như vậy, mình không thể nghĩ được nữa, nên mình chỉ đành chấp nhận sự hiện diện của nó thôi.


Tức là khi nào tim mình sáng lên một niềm hi vọng, mình nhận diện sự hiện diện của nó. Mình hiểu là mình đang thương người ta, nhưng khả năng của mình chắc còn thấp hơn khả năng vào đại học Stanford nữa. Có lúc mình cũng muốn buông, như buông không được. Nó là một trại thái lơ lửng, không đầu không cuối. Hi vọng, nếu dùng đúng cách, có thể cứu vãn một cuộc đời, còn nếu không, chỉ dẫn đến sự tự hủy diệt của một cá nhân vì tin vào một thứ quá nhiều.


Dù sao tình yêu cũng làm người ta thay đổi, ít nhất là theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Và cái thú nhất là, mình không biết mình vui vì yêu đời hay yêu người đó. Hoặc có khi vì người đó mà mình bắt đầu học được cách yêu đời hơn hay sao. Mình cảm giác như Siddhartha trên dòng sông muôn ngàn giọng, mang trong mình một vết thương chưa thể nở hoa. Anh chỉ nghe những nốt thật buồn hoặc thật vui, anh chưa thể nghe hết tất cả. Anh vẫn chưa thể nghe thấy chính mình.


Nhưng Siddhartha chỉ có một dòng sông. Trong xã hội hiện đại, khi công nghệ và công việc là thứ xâu xé đi sự chú ý của mình. Đôi lúc, để nghe được chính mình, người ta phải chấp nhận bỏ đi nhiều thứ. Đó là lời câu nệ của thế giới bên ngoài, là những lời khen và hào nhoáng bóng bẩy. Là bỏ ra một chút thời gian để ngồi vẽ tranh và làm những gì mình thích. Là hát. Là tưới cây và chụp ảnh cây. Là tập trung vào một thứ để kết nối với tâm linh vũ trụ. Là một và tất thảy. Vì tập trung, là nói không.


Hoa hướng dương

Mình biết Van Gogh là một họa sĩ tiêu biểu trong giới nghệ thuật, và mọi người nghe tên ông chán rồi. Dù sao, có những người mà càng bóc tách từng lớp, mình càng muốn hiểu thêm về người đó. Cuộc đời ông có muôn vàn sóng gió, và có lẽ nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng như Renoir nói, mọi thứ sẽ qua đi, và cái đẹp sẽ luôn là cái ở lại. Mình không tin vào tôn giáo nào, vì có lẽ mình tin rằng mỗi tôn giáo đúng theo cách riêng của nó, nhưng mình nghĩ rằng cái đẹp nên là một điều để kết nối con người lại với nhau, sau quá nhiều thù hằn vẽ nên từ nạn chấp mê, phân biệt.


Mình cũng muốn có một sự hiện diện nhẹ nhàng như một bông hoa hướng dương, như cách mà Van Gogh mà Thích Nhất Hạnh đã làm vậy. Năng lượng của chánh niệm mà họ tỏa ra nhẹ nhàng như không khí xung quanh bạn khi bản đang thở. Mình không muốn làm một ai đó, mình cũng không muốn được nhớ tới. Mình chỉ muốn để lại những điều tốt đẹp.


Van Gogh, với sự giúp đỡ của em ông, để lại cho người đời gần 1000 bức tranh sơn dầu. Còn Thích Nhất Hạnh, ông để lại những áng thơ hay, phổ nhạc thành thiền ca mà mình hay hát. Cuốn sổ của mình là sự giao thoa giữa hai trường phái, vừa có tranh, vừa có chữ, và quan trọng nhất là nó đều giúp mình sống chánh niệm hơn.


Van Gogh dạy mình là, mình không cần phải biết tất cả, mặc dù mình nên có một cái nhìn khái quát về bản đồ của tri thức. Và ta chỉ cần tập trung làm tốt một việc thôi, như vậy là đủ rồi.




Mình thường chép những bài hát hoặc bài thơ mà mình thích. Bên trên là hai bức tranh mình vẽ gần đây. Bức đầu tiên là từ vài tháng trước, bức thứ hai là mình mới vẽ ngay hôm qua.


Thông thường mình chả có rảnh mà chép một bài hát hai lần. Dù sao, có những bài hát nghe hoài không chán, và càng nghe mình càng bóc tách được một lối ẩn ý của câu chữ hay giai điệu của nó. Starry night là một trong những bức tranh và bài hát đặc biệt như thế đó.


Bức tranh đầu tiên mình vẽ khi ngồi trên thư viện một mình và đơn độc. Lúc ấy mình vẫn chưa có bạn thật sự. Bức tranh thứ hai mình vẽ khi đã có những người bạn tốt hơn và sau khi qua một vụ chia tay. Ban đầu lúc vẽ bức thứ hai mình còn sợ không được tốt như bức đầu ấy chứ, nhưng hóa ra mình lầm. Khi so sánh hai bức tranh với nhau, bạn hoàn toàn có thể thấy bức tranh thứ hai tỉ mỉ và thanh tao hơn rất nhiều, bởi mình không còn nhìn mọi thứ quá gần nữa, mình đã đứng được xa ra để nhìn vào nó. Mình không còn quá tập trung vào cây hoàng đàn u buồn nữa, mình thấy những ngôi nhà xấp xó và bầu trời đầy sao cao hơn và xa hơn. Mình cũng không quá vội vã khi cross-hatch để tạo mức độ đậm nhạt nữa. Từng nét vẽ của mình thanh thoát hơn rất nhiều. Vẫn có một câu nói từ Van Gogh mà mình rất thích, vì nó đúng với mình, rằng nghệ thuật là thứ keo kết dính của những mảnh đời bị bung gáy trên nẻo đường đời.


“Art is to console those who are broken by life.”

Như Van Gogh, nghệ thuật là một tấm áo giáp đẹp đẽ của mình, là thứ thảo dược chữa lành mọi vết thương do vô tình hay cố tình của người đời. Mình thương họ thật đấy, nhưng đôi lúc vì họ mà mình khổ quá. Thành ra sau này mình càng ít vì một ai đó hơn.


Về tình yêu

Tình yêu là một thứ đơn giản mà người đời cứ thích làm cho nó phức tạp lên. Hoặc là tất cả, hoặc không là gì cả. Go big, or go home. Từ khi duy trì được nếp nghĩ này, mình nhẹ lòng hơn rất nhiều. Mình cũng không nên ép người ta thích mình, cứ để mọi thứ xảy ra một cách tự nhiên. Vì nếu họ có trong tay mình, mà không biết mình quan trọng đến nhường nào, thì cũng rất khó để giữ cho kĩ. Cứ như thể bạn tưởng mình đeo trên tay một chiếc nhẫn hột xoàn, lúc đánh mất rồi mới nhận ra nó là đá quý. Nhưng đâu phải ai cũng cần đá quý đâu, hột xoàn đôi lúc lại hợp với họ hơn. Cơ bản là không chỉ tùy mình, mà còn tùy người ta nữa. Ta chấp nhận tình cảm mà ta nghĩ mình xứng đáng có được.


“We accept the love we think we deserve.”





Người không biết tán thưởng cô ta.

Cũng không xứng đáng để yêu cô ta.




Nên mình cứ là mình đã, vũ trụ sẽ sắp xếp nốt phần còn lại vậy.

Hành trình của mình đang ở chặng đợi, thì mình cứ phát triển rồi đợi đi đã, nếu không được thì mình còn buông, còn ngộ, còn cầu được mà.


“Em thương mến,

Không có gì để vội.

Lá vẫn xanh thanh thản hát trên cành

Có những lúc ta chỉ cần phải đợi

Kẻo vội vàng, đôi lúc hoá mong manh.”

Đợi, Nguyễn Thiên Ngân

4 views0 comments

Recent Posts

See All

Commentaires


bottom of page